Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Cuối tháng 11, một người dân ở Hà Nội đã bị bỏng nặng khi nghe điện thoại trong nhà vệ sinh của cây xăng, khiến nhiều người hoang mang về nguy cơ thiết bị di động có thể phát hỏa bất ngờ.

>> Galaxy S II bốc cháy trong túi quần
>> Sợ cháy nổ Best Buy thu hồi pin iPhone đời cũ
>> iPhone 4 phát lửa trong khi sạc
>> Giật mình iPhone phát tia lửa trên máy bay
>> Những câu chuyện thương tâm vì sử dụng điện thoại di động

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên viện tiếp nhận trường hợp như vậy. Tuy nhiên, nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra do sóng điện từ từ điện thoại có khả năng kích nổ, khi gặp điều kiện thuận lợi như ở môi trường có xăng sẽ dễ gây cháy. Dù vậy, cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Điện thoại đang bị đổ lỗi cho là nguyên nhân của mọi vấn đề sức khỏe từ ung thư não, mất trí nhớ cho tới sát thương vì nổ. Tuy nhiên, nó vẫn phổ biến trên toàn thế giới và hoàn toàn không bị cấm sử dụng, bởi thực ra, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe hay dễ gây hỏa hoạn. Vậy tại sao lại xuất hiện thông tin điện thoại dễ nổ gần cây xăng?

Điện thoại bị hạn chế sử dụng tại trạm xăng vì nguy cơ cháy nổ.

Điện thoại bị hạn chế sử dụng tại trạm xăng vì nguy cơ cháy nổ.

Tháng 6/1999, trước nguy cơ “cực kỳ hiếm xảy ra”, tập đoàn Exxon gửi e-mail cho 8.500 trạm gas của họ ở Mỹ để cánh báo về việc sử dụng điện thoại khi đang đổ xăng. Phát ngôn viên Bob Davis của Exxon khi đó trả lời CNN rằng họ bắt đầu dán khuyến cáo “Không dùng điện thoại di động” tại trạm xăng.

Exxon cho hay đơn giản là họ muốn phòng xa dù không có tài liệu nào khẳng định là điện thoại gây nguy hiểm. Từng có một tai nạn ở Indonesia và được đăng trên báo chí châu Á năm 1998 nhưng các nhà điều tra cũng không thể đưa ra kết luận.

Các nhà sản xuất điện thoại cũng đăng lời cảnh báo trong sách hướng dẫn với hai lý do. Thứ nhất, điện thoại thuộc dòng thiết bị điện tử nên không bao giờ có thể loại trừ nguy cơ cháy nổ (dù rất nhỏ). Thứ hai, cũng như Exxon, họ phòng xa vì lo ngại các vấn đề pháp lý.

Tiếp đó, đến năm 2001, người sử dụng Internet truyền nhau một thông điệp của hãng Shell (mà sau này đã được xác định chỉ là trò lừa) rằng điện thoại khi khởi động hoặc đổ chuông có thể truyền năng lượng đủ mạnh để tạo tia lửa gây cháy: “Sóng điện từ phát ra từ điện thoại rất thấp, chỉ ở mức vài milliwatt. Tuy nhiên, khi nhận cuộc gọi hoặc gọi đi, sóng phát ra mạnh hàng chục lần trạng thái bình thường và tạo trường điện từ bức xạ. Đặc biệt, sóng càng mạnh khi ở xa trạm gốc. Trong quá trình bơm xăng, một phần xăng sẽ bốc hơi và khuếch tán trong không khí hình thành những đám mây chứa ion điện. Khi người sử dụng ấn nút để thực hiện cuộc gọi sẽ vô tình tạo sự cộng hưởng từ ngẫu nhiên giữa sóng điện từ của máy và môi trường điện từ của trạm xăng, kích hoạt tia lửa điện trong tích tắc, tác động ngược trở lại ăng-ten điện thoại làm cháy”.

E-mail này còn trích dẫn 3 trường hợp rủi ro như một tài xế giơ điện thoại soi bình xăng khiến phát nổ, một người bị bỏng nặng ở mặt vì buôn điện thoại khi đổ xăng hay một người bị cháy quần khi điện thoại nằm trong túi phát nổ.

Bức thư đã gây xáo động cư dân mạng trước khi được xác minh rằng chỉ là một trò đùa ác ý. E-mail có nguồn gốc không rõ ràng này được gửi đến hòm thư của một nhân viên Shell ở Jamaica. Anh ta vô tư gửi tiếp cho bạn bè, nhưng vẫn để chữ ký và logo Shell Company ở cuối thư, làm cho những người nhận được tưởng là thư của Shell và coi là “bằng chứng xác thực” khiến nhiều người tin hơn bao giờ hết.

Để mọi việc rõ ràng, Cục an toàn giao thông Australia đã xem lại hồ sơ 243 vụ nổ ở trạm xăng trên khắp thế giới xảy ra trong 11 năm từ 1993 đến 2004 và tuyên bố không có bất cứ vụ nào nào điện thoại bị cáo buộc liên quan.

Sóng điện thoại cũng được cho là không phải thủ phạm bởi nếu nó đủ mạnh để có thể phát tia lửa gây cháy, có lẽ tế bào não của người dùng đã bị hủy hoại từ lâu (dù kết luận này còn gây nhiều phản ứng trái chiều tương tự việc sóng điện thoại gây ung thư hay không). Ngoài ra, trang MythDigger nhận định, khi thời tiết hanh khô, áo khoác, nhất là áo len, phát ra tiếng nổ tanh tách, vậy nếu lo ngại, người ta nên khuyến cáo không mặc quần áo khi đổ xăng.

Bộ phận khiến điện thoại dễ gặp hỏa hoạn nhất là pin lithium. Gần đây nhất là ba trường hợp một chiếc iPhone 4 đã bốc khói trên một chuyến bay ở Australia, khi một người sử dụng iPhone ở Brazil đang nằm ngủ, và Galaxy S II tỏa mùi khét lẹt trong túi quần. Nhưng nếu là pin là thủ phạm thì không riêng điện thoại mà cả máy nghe nhạc, tablet, laptop… cũng sử dụng pin lithium dễ gây cháy nổ. Vậy tại sao người ta chỉ khuyến cáo hạn chế dùng điện thoại tại trạm xăng? MythDigger đưa ra giả thuyết rằng, do khác với các thiết bị kia, người sử dụng hay cầm điện thoại trên tay và dễ vô tình để tuột tay khiến máy rơi xuống tác động mạnh tới pin.

Dù vậy, hiện chưa có một nước nào ra luật cấm dùng điện thoại tại các trạm xăng. Việc khuyến cáo đơn giản là nếu điện thoại nổ ở cây xăng thì hậu quả kinh khủng hơn rất nhiều so với việc nó bị nổ khi đang sạc pin ở nhà.

Theo VnExpress


Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts