Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Số lượng ứng dụng của các hệ điều hành di động đã vượt qua con số 1 triệu, HP phối hợp với Box.net ra dịch vụ đám mây…

>> Điểm tin công nghệ: “Máy ủi” cháy hàng, Phenom II và Athlon II ngừng sản xuất
>> Điểm tin công nghệ: Dell Streak 7 ngừng bán, Vinaphone cũng bán iPhone 4S
>> Điểm tin công nghệ: Màn hình có thể chuyển ảnh 2D thành 3D
>> Điểm tin công nghệ: Intel tin vào Windows 8, Surfboard Điện thoại BBX đầu tiên
>> Điểm tin công nghệ: Đế mở rộng cho Ultrabook, Android vẫn đứng đầu tại Mỹ

Số lượng ứng dụng di động của các OS lớn vượt con số 1 triệu

Sự bùng nổ của thị trường điện toán di động, tiêu biểu là điện thoại thông minh và máy tính bảng, đang được thể hiện một cách hết sức rõ ràng, thông qua việc số lượng ứng dụng của 5 nền tảng di động chính đã cán mốc 1 triệu. Theo số liệu thống kê của Mobilewalla cho thị trường Mỹ, đến thời điểm cuối tuần trước, có tất cả 989.863 ứng dụng đang được cung cấp trên 4 gian ứng dụng lớn là App Store (iOS), Android Market (Android), BlackBerry App World (BlackBerry) và Marketplace (Windows Phone). Con số này nếu cộng thêm với lượng phần mềm trên Ovi Store của Nokia, vốn đã đạt 50.000 ứng dụng từ tháng 7 năm nay, sẽ chắc chắn vượt qua mốc 1 triệu.

Xét theo số lượng, kho phần mềm của iOS vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 590.138 ứng dụng, Market đứng thứ 2 với 320.315 ứng dụng, Nokia Ovi Store xếp hạng 3 (hơn 50.000 ứng dụng). Hai vị trí thứ 4 và 5 lần lượt thuộc về gian ứng dụng của RIM (43.544 ứng dụng) và Microsoft (35.479 ứng dụng). “Đây là một dấu mốc không thể không nhắc đến”, trích phát biểu của Anindya Datta, nhà sáng lập Mobilewalla. “Ứng dụng di động là phân khúc tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử thương mại của thế giới. Cuộc đua về ứng dụng bắt đầu từ tháng 7/2008 khi App Store được mở. Google nhanh chóng tiếp bước, với sự ra đời của hệ điều hành Android vào tháng 10 cùng năm đó. Gần đây, RIM và Microsoft mới bắt đầu tham gia vào thị trường sôi động này với 2 gian ứng dụng cho những hệ điều hành di động của họ”.

HP phối hợp với Box.net để cung cấp dịch vụ lưu trữ cho doanh nghiệp

Ngày 5/12, HP và Box.net tuyên bố hai công ty đang làm việc với nhau để cung cấp dịch vụ lưu trữ và công cụ quản lí nội dung trực tuyến cho các khách hàng doanh nghiệp. Đại diện của hai hãng cho biết dịch vụ nền đám mây là một công cụ hữu hiệu cả về mặt tài chính lẫn hiệu năng để các doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng của mình. Khi mua một chiếc máy tính để bàn thuộc dòng HP Compaq 6200 Pro hoặc 6005 Pro, người dùng sẽ được tặng 10GB dung lượng Box.net miễn phí cùng với các chương trình giảm giá cho việc nâng cấp thêm dung lượng. Những khách hàng mua máy Compaq 8200 Elite sẽ có một năm sử dụng miễn phí Box.net và không bị giới hạn dung lượng. Tuy nhiên, chỉ khách hàng mua máy thông qua chương trình bán hàng Smart Buy (một chương trình dành riêng cho các doanh nghiệp, sản phẩm bán qua chương trình này thường có mức giá ưu đãi so với khi mua ở cửa hàng) mới nhận được gói khuyến mãi của Box.net. Trước đây, Box.net từng phối hợp với LG, Sony Ericsson và một vài công ty công nghệ khác để cung cấp dịch vụ lưu trữ miễn phí khi khách hàng mua máy của các công ty này.

HP Compaq 6200 Pro và 6005 Pro là những dòng máy tính tầm trung với vi xử lí AMD Athlon II X2, Intel Pentium/Core i3/i5, RAM dao động từ 2-4GB, trang bị HDD 250GB-500GB và không có chip đồ họa rời. Hai dòng máy này có giá khởi điểm lần lượt là 579 USD và 419 USD. Trong khi đó, HP Compaq 8200 Elite là dòng sản phẩm máy bàn cao cấp được trang bị CPU Intel Core i5/i7 (tùy chọn cao nhất là Core i7-2600 lõi tứ xung nhịp 3,4 GHz, 8M cache), RAM DDR3 2-4GB, ổ cứng SATA III 500GB với giá khởi điểm lên đến 1002 USD.

Lộ diện tên mã bí mật của các phiên bản iOS từ 1.0 tới 5.1

Hầu hết những HĐH đều có tên mã riêng và nó được nhà sản xuất công bố rộng rãi cùng với tên gọi chính thức nhưng đối với iOS thì lại là một ngoại lệ. Không hiểu vì lý do gì mà Apple giữ kín bí mật của những tên này, vì thế có thể đây là lần đầu tiên các bạn biết rằng iOS có tên mã. Google sử dụng tên các loại đồ ăn làm tên mã cho Android, Apple sử dụng họ nhà mèo làm tên mã cho Mac OS X trong khi tên mã cho iOS lại là những địa danh hay địa điểm không mấy nổi tiếng toàn cầu. Một nửa trong số tên mã đó là khu resort tại California trong khi những tên khác được lấy từ tên các khu rừng quốc gia tại Mỹ. Những tên gọi này không được Apple quảng cáo nhiều, chúng chỉ được sử dụng bên trong công ty mà thôi. Nhà phát triển Steve Troughton-Smith là người đã có được những cái tên này. Hãy xem qua tên mã của các phiên bản iPhone OS (trước đây) và iOS (bây giờ), từ 1.0 cho tới 5.1.

  • 1.0: Alpine (1.0.0 – 1.0.2: Heavenly)
  • 1.1: Little Bear (1.1.1: Snowbird, 1.1.2: Oktoberfest)
  • 2.0: Big Bear
  • 2.1: Sugarbowl
  • 2.2: Timberline
  • 3.0: Kirkwood
  • 3.1: Northstar
  • 3.2: Wildcat (chỉ dành cho iPad)
  • 4.0: Apex
  • 4.1: Baker
  • 4.2: Jasper (4.2.5 – 4.2.10: Phoenix)
  • 4.3: Durango
  • 5.0: Telluride
  • 5.1: Hoodoo

Acer có thể thay đổi đôi chút thiết kế của Aspire S3, ra mắt 4/2012

Vào đầu tháng 9 vừa qua, Acer đã giới thiệu chiếc Ultrabook đầu tiên của hãng: Acer Aspire S3. Sản phẩm này gặt hái được nhiều thành công vì đáp ứng được yêu cầu mỏng, nhỏ, nhẹ nhưng giá tiền không quá cao (899 USD). Theo trang tin Khaleej Times Online, trong một bữa sáng với các phóng viên, giám đốc Acer tại các nước Trung Đông, ông Grigory Nizovsky đã nói rằng: “Tôi nghĩ rằng vào tháng 4 năm sau, chúng ta sẽ có một phiên bản S3 mới được thay đổi thiết kế đôi chút”. Nizovsky cho biết thêm, phiên bản Ultrabook mới của hãng sẽ sử dụng kiến trúc Intel Ivy Bridge với hiệu suất hoạt động được nâng cao nhưng lại tiết kiệm điện năng hơn những CPU Sandy Bridge. Hiện tại, doanh số Ultrabook chiếm 20% tổng số lượng máy tính xách tay của Acer bán ra tại các nước UEA (United Arab Emirates) và hãng hi vọng rằng con số này sẽ tăng gấn đôi trong năm 2012. Trước đây, Intel đã lên kế hoạch ra mắt các vi xử lí Ivy Bridge vào quý 4 năm nay và bắt đầu bán ra những CPU này trong nửa đầu 2012 nên việc chiếc “Aspire S3 mới” hoạt động dựa trên nền tảng này là hoàn toàn hợp lí.

ASUS Padfone sẽ ra mắt tại MWC 2012 với Tegra 3

Chiếc smartphone lai tablet Padfone của ASUS được trình làng tại Computex diễn ra vào hè vừa rồi và dự kiến bán ra vào cuối năm nhưng lịch trình đó đã bị thay đổi, có thể là vì ASUS muốn tăng thêm sức mạnh cho thiết bị. Mới đây, netbooknews.com cho biết Padfone sẽ được ASUS giới thiệu lại vào MWC 2012 diễn ra vào tháng 2 tới. Không chỉ có vậy, thiết bị này sẽ sử dụng một CPU khác, mới và mạnh mẽ hơn. Được biết ASUS sẽ thay thế Qualcomm Snapdragon S4 (mà ta đã biết trước đây) bằng Tegra 3 bốn nhân, vốn được ASUS trang bị cho Transformer Prime. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại thì ta đã biết hai thiết bị di động của ASUS sử dụng BXL Tegra 3 từ NVIDIA. MWC 2012 sẽ diễn ra sau CES 2012, cụ thể là từ ngày 27 tháng 2 tới 1 tháng 3 tại Barcelona, Tây Ban Nha.

H1Siri cho iPhone 4: Không nên cài!

Có lẽ các iFan đã nghe tin về ứng dụng H1Siri (Hi! Siri) trên Cydia cho phép iPhone 4 đã jailbreak sử dụng Siri. Theo nhóm CD-Dev – nhóm đã tạo ra ứng dụng này thì họ chỉ định thử nghiệm nhỏ, tuy nhiên thông tin lại bị phổ biến quá nhanh và server của họ không thể đáp ứng nổi nhu cầu truy cập.

Nhưng ngoài vấn đề server thì còn rất nhiều lý do khác khiến bạn không nên cài đặt ứng dụng này. Khi bạn sử dụng H1Siri truy cập đến server của nhóm hack và đồng thời cũng gửi toàn bộ thông tin về tin nhắn, danh bạ, email … đến nhóm hack này. Hơn nữa thì thực tế phần mềm này cũng vẫn chưa thể hoạt động tốt.

Từ khi thông tin về H1Siri truyền đi, rất nhiều người đã cài đặt phần mềm này và gặp nhiều vấn đề như máy tự động khởi động lại, lỗi camera, lỗi điện thoại, bị treo ở phần logo Apple… Đúng là Siri rất hay nhưng có lẽ không đáng để bạn mạo hiểm như vậy.

Theo Tinh Tế/GenK


Link to full article

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Popular Posts