Sony Ericsson Xperia Ray ST18i có thể xem như bản rút gọn của Xperia Arc với thiết kế nhỏ gọn hơn hẳn.
>> Sony Ericsson tung ra Xperia Ray mở khóa tại Mỹ
>> ‘Đập hộp’ điện thoại Xperia Ray mỏng ngang iPhone 4
>> Đánh giá Nokia 500
>> Đánh giá HTC Explorer
>> Đánh giá Samsung Galaxy Y – S5360
Xperia Ray có thiết kế dạng thanh, nhỏ gọn, trông khá chắc chắn.
Máy sử dụng màn hình cảm ứng điện dung LED-backlit LCD 16 triệu màu rộng 3,3 inch, độ phân giải 480 x 854 pixel, công nghệ Mobile Bravia Engine của Sony nên hiển thị phim ảnh đẹp.
Model được trang bị camera chính 8 Megapixel, có khả năng quay phim HD 720p, khẩu f/2.4 cho phép chụp thiếu sáng khá ổn. Sony Ericsson chưa bắt đầu cuộc đua số lõi chip xử lý như các hãng khác nên Ray vẫn sử dụng bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 1GHz, đồ họa Adreno 205, RAM 512MB.
Giá phân phối chính hãng sản phẩm Xperia Ray hiện khoảng 9,4 triệu đồng, trong khi hàng xách tay giá từ 6,5 đến 6,7 triệu đồng.
Dưới đây là phần tổng hợp đánh giá về Xperia Ray.
Thiết kế
Ấn tượng đầu tiên khi cầm Xperia Ray là một thiết bị dạng thanh khá mỏng, các cạnh được thiết kế trông sắc nét, tạo cảm giác vuông vức nhưng không hề thô ráp. Máy cầm vừa trong lòng bàn tay, thân máy có độ dày đều chứ không vát cong ở giữa như các model Xperia Arc. Kích thước các chiều 111 × 53 × 9,4 mm, nặng 100g.
Tuy vỏ bằng nhựa nhưng máy vẫn chắc chắn, không có cảm giác ọp ẹp hay dễ rơi, trọng lượng vừa phải tạo cảm giác đầm tay nhưng không quá nặng. Nhìn chung, máy phù hợp với các khách hàng nữ giới với lòng bàn tay bé và yêu cầu chiếc điện thoại kiêm tính năng trang sức. Ngoài thiết kế khá thời trang, Xperia Ray còn được bán ra với 4 màu sắc khác nhau, gồm vàng cát, trắng, hồng và đen, phù hợp với sở thích của nhiều người.
Màn hình 3,3 inch, độ phân giải 854 x 480 pixel (FWVGA), tương đương 297 điểm ảnh trên một inch, lại được trang bị công nghệ riêng của Sony nên cho hình ảnh hiển thị sắc nét, màu tươi và rất thực. Kích cỡ này không gây khó khăn cho quá trình nhập liệu bằng bàn phím ảo của máy. Ray có thiết kế bàn phím khá thông minh: khi để máy dọc, bàn phím sẽ hiện ở dạng ký tự abc như các bàn phím truyền thống, nhưng khi xoay phương nằm ngang, máy sẽ chuyển sang chế độ nhập liệu bằng phím QWERTY, các ký tự rõ ràng, cách đều nhau nên không gây nhấn nhầm.
Camera phụ của Ray phía cạnh trên màn hình.
Nằm phía trên của màn hình là tên thương hiệu Sony Ericsson và camera phụ, cho phép thực hiện cuộc gọi video, điều mà những smartphone dòng Arc không có được. Đây có thể xem như một điểm cộng lợi thế của Ray trước những “người anh” của mình. Phía cạnh dưới là tên dòng máy Xperia, phía trái là nút Back, phím Menu nằm phía bên phải, riêng phím Home được thiết kế thấp hẳn xuống phía dưới, bao quanh bởi một đèn bán nguyệt có chức năng báo trạng thái như cần sạc pin, đang sạc, có cuộc gọi/tin nhắn hoặc cuộc gọi nhỡ…
Các cạnh máy thiết kế đơn giản, khá thanh lịch. Cạnh trên gồm phím nguồn và giắc cắm tai nghe 3,5mm, cổng microUSB nằm ở cạnh trái, còn phím tăng giảm âm lượng ở phía đối diện. Máy không có nút chụp ảnh nhanh ở trên thân và cổng HDMI như Xperia Arc.
Khả năng hiển thị của màn hình cùng với thiết kế giao diện TimeScape độc quyền của Sony Ericsson trở thành sự kết hợp khó có thể tốt hơn trên Xperia Ray. TimeScape nhẹ nhàng với tông xanh trắng, dường như trong suốt chứ không nhiều màu sắc như các giao diện người dùng đến từ HTC hay Samsung, bù vào đó là khả năng hoạt động mượt mà, không hề có độ trễ khi thao tác giữa các trang thông tin.
Màn hình bé không phải là lợi thế khi xem phim.
Khi sử dụng Ray để xem phim độ phân giải HD 720p, hình ảnh không có dấu hiệu bị nhòe hay vỡ hình, răng cưa, cũng không bị giật hình. Có thể nói cả hình ảnh và âm thanh đều được thể hiện rất tốt. Tuy nhiên, kích cỡ màn hình bé khiến Xperia Ray nhận điểm trừ cho tính năng xem phim hay các video giải trí. Cảm giác xem phim hơi khó chịu, có những khi các chi tiết nhỏ không thể hiển thị rõ ràng.
Đánh giá tính năng
Liên minh Thụy Điển – Nhật Bản trang bị đầy đủ những tính năng hiện đại cho thiết bị của mình. Máy đầy đủ các kết nối thông thường như GPRS/EDGE, 3G, Wi-Fi, Bluetooth.
Chất lượng ảnh chụp từ máy rất tốt.
Khả năng bắt Wi-Fi của Ray có thể gây thất vọng cho một số người dùng khó tính. Trong môi trường sóng Wi-Fi yếu, khi các thiết bị khác như Galaxy S của Samsung, HTC Explorer của HTC vẫn nhận được tín hiệu từ một đến hai vạch chỉ báo, thì chiếc Xperia Ray bắt sóng rất chập chờn. Vẫn có lúc máy nhận được hai vạch, nhưng nhanh chóng rớt xuống một vạch hoặc thậm chí mất sóng dù không hề di chuyển vị trí. Tổng thời gian không bắt được Wi-Fi nhiều hơn thời gian nhận được sóng, gây khó khăn kết nối trong trường hợp khách hàng muốn sử dụng Wi-Fi ở khu vực sóng kém.
3G hoạt động ở mức bình thường, không có gì nổi bật so với những model khác có cùng giá tiền. Máy mất khoảng trên 5 giây để xác định vị trí người dùng thông qua 3G khi sử dụng bản đồ Google Map.
Sony Ericsson lâu nay vẫn nổi tiếng với các dòng máy nghe nhạc và tai nghe kèm máy có chất lượng khó chê, nhưng không phải hoàn toàn như vậy với Ray. Chất lượng tai nghe chỉ ở mức trung bình, không có điểm nhấn, âm thanh gần như mất toàn bộ âm bass, chỉ còn một phần âm treble. Tai nghe cũng để lọt nhiều tiếng ồn từ phía môi trường, có thể một phần lỗi do âm của tai nghe khá nhỏ, bắt buộc người dùng phải tăng âm lượng lên mức cao hơn để nghe, dễ gây tổn thương tai.
Giao diện nghe nhạc của máy đơn giản, ít lựa chọn cho người dùng. Máy có ưu điểm loa ngoài âm lượng lớn, nhưng bù lại âm thanh nghe hơi “đanh”, không có độ ấm của tiếng bass. Trình nghe nhạc mặc định có một số tùy chỉnh âm cho người dùng, nhưng thiếu chỉnh âm bass và thiếu luôn cả phần tự chỉnh.
Xperia Ray được trang bị máy ảnh 8 Megapixel với cảm biến Exmor R cho chất lượng hình ảnh rất tốt. Ảnh chụp từ máy cho màu sắc ấm, trung thực, các chi tiết hiển thị rõ ràng. Những vùng ảnh tương phản vẫn có chất lượng cao chứ không bị nhòe hoặc mất chi tiết như một số máy có camera cùng “chấm”, tuy một số giao điểm sáng – tối vẫn bị nhiễu màu (không đáng kể). Máy có khả năng tự động lấy nét, nhưng lại không thể lấy nét tùy điểm, mà chỉ mặc định lấy nét tại vùng trung tâm của khung hình.
Nhờ có ống kính khẩu khá lớn (f/2.4), Ray có khả năng chụp ảnh ở điều kiện thiếu sáng tốt mà không cần tới flash. Ánh sáng vẫn đủ vào cảm biến để cho ảnh, tuy nhiên, lúc này độ nhiễu ảnh khá lớn, có thể nhìn rõ bằng mắt thường ngay trên màn hình của máy, đặc biệt nhiễu tại các vùng tối. Trong điều kiện đủ sáng, máy có thể chụp được những bức ảnh ở chế độ cận cảnh một cách rõ nét, khả năng “xóa phông” rất ấn tượng.
Theo như tên ứng dụng Camera 3D cài sẵn, Xperia Ray có thể chụp ảnh ở định dạng 3D. Nhưng thực tế kiểm tra thì đây giống như một dạng chụp ảnh Panorama mở rộng, bởi người dùng cần quét camera máy ảnh từ trái sang phải để thực hiện khung hình. Tuy có chức năng này nhưng màn hình của máy lại không hỗ trợ khả năng xem 3D mà yêu cầu chuyển ảnh sang một thiết bị khác mới có thể xem được nên có vẻ chức năng này hơi thừa trên Xperia Ray.
Máy được trang bị camera 8 "chấm" với khả năng quay phim HD.
Xperia Ray không bỏ lỡ cuộc chơi đương thời với các mẫu điện thoại đang rầm rộ với khả năng quay phim HD 720p. Chất lượng quay phim không quá tệ, màu sắc rất tốt nhưng khả năng lấy nét tự động chậm hơn so với khi lấy nét ở chế độ chụp ảnh. Khi lia máy để thay đổi vị trí, hình ảnh thay vì bị giật hoặc đảo như trên các máy khác thì lại bị kéo hình, gây cảm giác vật trong video bị giãn ra hoặc… nung chảy trước khi lấy lại hình dạng ban đầu tại khung hình cố định.
Đánh giá hiệu năng hoạt động
Khi sạc máy, đèn LED bán nguyệt báo màu cam, lúc đầy pin sẽ chuyển sang màu xanh lá cây.
Đối với mỗi mẫu smartphone, thời lượng pin luôn là điều mà hầu hết mọi người đều quan tâm, bên cạnh tính năng và cấu hình của máy. Trên thực tế, các smartphone hiện tại với màn hình và cấu hình đều “khủng” thì thời lượng pin lại tỷ lệ nghịch với “độ khủng” ấy. Hầu hết smartphone bây giờ đều có dung lượng pin cao, nhưng thời lượng pin chỉ giao động trong vòng từ một ngày đến một ngày rưỡi, ít mẫu có khả năng “chịu” tới hai ngày hoặc hơn.
Xperia Ray không phải là ngoại lệ trong trường hợp này. Mặc dù máy được trang bị màn hình bé và pin dung lượng tới 1.500 mAh nhưng từng ấy vẫn không đủ để giúp máy “sống” qua một ngày rưỡi với mức sử dụng bình thường. Không những thế, máy còn gặp phải lỗi báo pin sạc ảo tương tự một số smartphone Android khác. Cụ thể, khi cắm sạc máy báo đầy 100%, nhưng lúc rút sạc ra, lượng pin thực tế chỉ từ 95 đến 98% (trên Xperia Ray là 97%). Hy vọng lỗi này sẽ được khắc phục thông qua các bản ROM cập nhật về sau.
Máy có thời gian sạc pin khá nhanh, chỉ 2 tiếng 30 phút là đầy. Để dễ hình dung, hãy so sánh với các model khác như Galaxy S có dung lượng pin 1.400mAh nhưng sạc hơn 3 tiếng, Galaxy Y pin 1.230mAh nhưng cũng mất 3 tiếng để sạc. Nhưng nếu so với Xperia Arc có cùng dung lượng pin nhưng chỉ mất chưa đầy 2 giờ, Ray vẫn chưa thực sự ấn tượng trong việc này.
Thời gian chờ của máy không nhiều, khoảng 2 ngày rưỡi cho một lần sạc pin. Mỗi lần sạc cho phép nghe nhạc bằng loa ngoài khoảng 16 đến 18 tiếng liên tục. Máy sẽ “đốt” pin nhanh hơn nếu lướt web hoặc xem youtube bằng Wi-Fi với lượng pin mất 10% cho tầm 50 phút hoạt động.
Khả năng đồ họa của Ray cũng khá tốt, máy chơi các game có đồ họa 3D thông thường như Fruit Ninja, Spider Man… khá ổn định, không có hiện tượng giật hình, riêng Spider Man có xuất hiện chút răng cưa tại một số khung hình chuyển động, nhưng về cơ bản vẫn mượt mà. Khi sử dụng phần mềm Quadrant để chấm, máy đạt trung bình 1.223 điểm, cao hơn Galaxy S, HTC EVO… Đây có thể xem là điểm số khá tốt trên smartphone có cấu hình như Ray.
Trái với Xperia Arc S, khả năng tản nhiệt trên Xperia Ray hoạt động tốt, máy ít khi bị nóng, kể cả sau quá trình chơi game hay xem phim, chỉ có hiện tượng ấm hơn mức bình thường.
Màn hình hiển thị ở góc lớn hơn 90 độ chưa tốt.
Chất lượng cuộc gọi trên Ray tại các khu vực bình thường khá ổn định, tuy nhiên khả năng bắt sóng mạng cũng không quá tốt, có khu vực máy đột ngột báo mất tín hiệu nhưng lại nhanh chóng có trở lại sau đó. Điều này dễ gây đứt cuộc gọi nếu di chuyển vào vùng sóng yếu. Đây có thể do khả năng phủ sóng của nhà mạng chứ không riêng lỗi của Xperia Ray.
Một điểm yếu khác trên Ray là khả năng hiển thị ngoài sáng và ở góc lớn hơn 90 độ. Màn hình của máy ra ngoài nắng trở nên nhạt màu hơn, tuy vẫn nhìn rõ thông tin hiển thị. Ngoài ra, góc nhìn của màn hình không thực sự tốt, chỉ cần nghiêng đi một chút người dùng sẽ ngay lập tức nhận ra độ lóa trắng.
Xem ảnh chụp bằng Xperia Ray
Đánh giá chung.
Ưu điểm |
- Thiết kế đẹp, nhỏ gọn. |
- Màn hình cảm ứng mượt mà, hiển thị chi tiết sắc nét. |
- Camera chụp ảnh đẹp, màu trung thực. |
Nhược điểm |
- Dung lượng pin ở mức trung bình. |
- Khả năng bắt Wi-Fi chưa tốt. |
- Góc nhìn màn hình không cao. |
- Tai nghe kèm máy chất lượng kém. |
- Dung lượng ROM thấp, bắt buộc phải có thẻ nhớ để cài phần mềm. |
Theo Sohoa.net
Link to full article
0 nhận xét:
Đăng nhận xét